7 việc cần làm tránh bẫy lừa đảo tặng quà Telegram miễn phí

Hình thức lừa đảo nhận quà qua ứng dụng Telegram không còn xa lạ với người dùng mạng xã hội. Dù điều này đã được báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo liên tục nhưng hiện vẫn có nhiều người bị lừa vì hình thức tiếp cận nạn nhân của kẻ gian ngày càng tinh vi. Congnghe.org khuyên bạn nên nắm rõ các thông tin mà chúng tôi chia sẻ dưới đây để tránh dính bẫy lừa đảo tặng quà Telegram, đồng thời hãy chia sẻ thông tin hữu ích này đến bạn bè, người thân của mình cùng phòng tránh nhé.

Tìm hiểu hình thức lừa đảo nhận quà qua Telegram là gì?

Kẻ gian đã lợi dụng sự phổ biến cũng như tính miễn phí của các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Skype, WhatsApp,… mà rầm rộ trong thời gian gần đây chính là Telegram với hình thức tặng quà để lừa đảo người dùng.

Kẻ xấu sẽ giả danh một thương hiệu nổi tiếng nào đó và đăng bài viết tặng quà. Nhiều người nhẹ dạ cả tin vào việc nhận được phần thưởng hấp dẫn này và nhanh chóng rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo.

Telegram đang là mảnh đấy màu mỡ của kẻ lừa đảo với các hình thức tiếp cận nạn nhân vô cùng tinh vi, như làm nhiệm vụ, tặng quà,..

Khi lấy được lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Tiếp theo đó, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra thêm nhiều yêu cầu để “khách hàng” có thể nhận được phần thưởng hấp dẫn. Cụ thể, kẻ gian sẽ yêu cầu người nhận quà gửi trước một số tiền để đảm bảo cho việc nhận quà. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền hay thông tin cá nhân của người nhận, kẻ gian sẽ biến mất và không cung cấp bất kỳ phần thưởng nào như đã hứa.

Các dấu hiệu nhận biết đây chính là cuộc lừa đảo nhận quà qua Telegram

Dưới đây là các dấu hiệu biết được cuộc trao đổi tặng quà Telegram này chính là lừa đảo:

Tài khoản Telegram ít thông tin, không xác định

Bạn cần cẩn trọng với những tài khoản Telegram có quá ít thông tin, hoặc không xác định đó là ai. Cụ thể:

  • Tài khoản Telegram đó không có mô tả hoặc hồ sơ không rõ ràng.
  • Tài khoản không cung cấp bất kỳ thông tin liên hệ nào như địa chỉ email, số điện thoại, trang web chính thức hoặc các kênh liên lạc khác.
  • Là một tài khoản mới, chỉ có ít thông tin hoặc không có hoạt động trước đó. Tuy nhiên, cũng có nhiều kẻ lừa đảo chuyên nghiệp có thể tạo ra một hồ sơ khá hợp lý mà bạn khó nhận ra.

Cơ hội nhận quà quá hấp dẫn

Không chỉ Telegram, mà bất kỳ mạng xã hội nào, khi nhận được “lời mời” nhận một phần quà hấp dẫn thì đây chính là tín hiệu cho thấy kẻ gian đang cố tình tiếp cận để lừa bạn.

  • Nếu một tin nhắn hứa hẹn bạn sẽ nhận được một phần thưởng lớn, số tiền lớn hoặc sản phẩm đắt tiền, chỉ cần thực hiện một hành động nhỏ như chia sẻ một tin nhắn,… bạn cần cẩn trọng.
  • Bạn nên cảnh giác với một tin nhắn nói rằng bạn có thể nhận được phần thưởng hoặc tiền mà không cần phải đầu tư bất kỳ khoản tiền hoặc công sức nào.
  • Một tin nhắn quảng cáo với khuyến mãi quá ảo diệu, hoặc không rõ ràng về điều kiện, bạn cũng cần cẩn trọng.

Thông điệp quảng cáo nhận quà không có thông tin liên hệ

Bạn cần cẩn trọng với một thông điệp, quảng cáo mà thông tin không rõ ràng, không có thông tin cụ thể để biết họ là ai, tổ chức gì, làm việc trong lĩnh vực gì; không có mục đích, thời gian, địa điểm hoặc cách thức tham gia chương trình như thế nào; hoặc không cung cấp thông tin liên hệ chính thức như địa chỉ, email, số điện thoại hỗ trợ hoặc tên tổ chức liên quan.

Yêu cầu bạn thanh toán, gửi tiền trước

Với các “lý do” dưới đây, kẻ gian sẽ dễ dàng khiến bạn tin chúng và gửi tiền trước khi nhận quà:

  • Yêu cầu bạn thanh toán trước một số tiền để trả lệ phí tham gia chương trình; hay để có thể nhận được phần thưởng lớn hơn; hoặc gửi trước một số tiền theo quy định và sau đó sẽ gửi lại cho bạn kèm với quà tặng.
  • Chúng cũng có thể giả mạo nhãn hàng, thương hiệu nổi tiếng để yêu cầu bạn chuyển khoản trước để tăng doanh số, sau đó tiếp tục yêu cầu bạn chuyển thêm tiền mới có thể nhận quà.

Yêu cầu bạn cung cấp chi tiết thông tin cá nhân

Kẻ lừa đảo thường yêu cầu bạn cung cấp các thông tin nhạy cảm, riêng tư như họ tên, địa chỉ, ngày sinh, số điện thoại và thậm chí thông tin tài khoản ngân hàng. Bạn cần phải hết sức cảnh giác với những yêu cầu này và không cung cấp thông tin nhạy cảm hoặc tài chính của mình cho người lạ hoặc không xác định.

Cần làm gì để tránh dính bẫy lừa đảo tặng quà qua Telegram?

Để tránh bị lừa đảo trên Telegram, bạn cần nắm những thông tin quan trọng sau:

  1. Hãy luôn kiểm tra kỹ các tin nhắn, thông điệp quảng cáo hoặc chương trình từ cá nhân/tổ chức lạ trên Telegram hay bất kỳ mạng xã hội khác trước khi tham gia hoặc tiết lộ thông chi tiết tin cá nhân.
  2. Kẻ lừa đảo thường đánh vào tâm lý của các nạn nhân với những lợi ích trước mắt để dụ dỗ, lừa đảo họ. Nếu một tin nhắn, quảng cáo quá hấp dẫn mà không hợp lý, bạn cần phải thận trọng.
  3. Không chi trả hoặc chuyển khoản trước cho bất kỳ chương trình hoặc hoạt động nào mà bạn không rõ hoặc không tin tưởng.
  4. Không tiết lộ thông tin riêng tư nhạy cảm của cá nhân như số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ tín dụng trên Telegram hoặc bất kỳ kênh trực tuyến nào.
  5. Khi bạn nhận được một đuờng liên kết đến trang web, hãy kiểm tra kỹ URL đó trước khi truy cập. Không nên bấm vào các liên kết khả nghi hoặc không rõ ràng.
  6. Cần tìm hiểu thông tin cẩn thận, xem đánh giá, phản hồi từ người khác trước khi tham gia vào bất kỳ chương trình, sự kiện hoặc cuộc thi nào.
  7. Hãy cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo mới, tinh vi hiện nay để có đủ kiến thức phòng tránh, bảo vệ cho bản thân và gia đình.
Kẻ gian giả danh Yody và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác để lừa đảo qua Telegram hay các nền tảng mạng xã hội khác.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến lừa đảo trên Telegram

Vì sao kẻ gian thường lợi dụng Telegram để lừa đảo?

Telegram là mảnh đất màu mỡ của kẻ gian, vì ứng dụng này có nhiều tính năng đặc biệt:

  • Cho phép người dùng tạo nhanh một nhóm lớn lên đến 200.000 thành viên. Những kẻ xấu đã lợi dụng tính năng này để thêm thành viên vào nhóm và tiến hành các hoạt động lừa đảo kiếm tiền.
  • Telegram cho phép người dùng thay đổi tên và ảnh đại diện nhiều lần mà không cần xác minh. Điều đặc biệt là Telegram có thể xóa tin nhắn trò chuyện của cả người gửi và người nhận, trong khi các ứng dụng khác chỉ xóa được tin nhắn ở phía người gửi. Kẻ gian đã tận dụng kẻ hở của tính năng xóa dữ liệu 2 chiều này để lừa nạn nhân.
  • Chuyển đổi giữa các tài khoản trên Telegram chỉ mất nửa giây. Kẻ gian đã tạo nhiều tài khoản giả bằng nhiều số điện thoại khác nhau, chuyển đổi nhanh chóng giữa các tài khoản để lừa người dùng.

Bị lừa tiền qua Telegram có khả năng lấy lại được không?

Việc lấy lại tiền bị lừa qua Telegram hoặc bất kỳ mạng xã hội nào là rất khó và hầu như bằng không. Vì:

  • Hầu hết các hành vi lừa đảo trực tuyến thường được thực hiện bởi những người ẩn danh không tiết lộ danh tính thật sự hoặc sử dụng thông tin giả mạo.
  • Kẻ lừa đảo thường sẽ sử dụng quá trình rửa tiền để che giấu dòng tiền và lừa đảo thường xuyên diễn ra qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, khiến việc áp dụng pháp luật và truy tìm trở nên khó khăn hơn.

Có thật là Yody lừa đảo trên Telegram?

Yody không lừa đảo, chỉ có kẻ gian giả mạo Yody để lừa đảo. Không chỉ Yody, chúng còn sử dụng tên tuổi các thương hiệu uy tín khác để tạo niềm tin và giăng bẫy các nạn nhân. Bạn cần kiểm tra và xác thực thông tin trước khi tham gia bất kỳ hoạt động hay giao dịch trực tuyến nào. Nếu có gì bất thường, bạn nên liên hệ với thương hiệu chính thống để đảm bảo tính xác thực; và báo ngay đến cơ quan Pháp luật để sớm ngăn chặc các hành vi lừa đảo này.

Mặc dù hình thức lừa đảo nhận quà qua Telegram không còn xa lạ nhưng vẫn còn rất nhiều người bị rơi vào bẫy. Việc lấy lại tiền sau khi bị lừa đảo là rất khó và phức tạp, vì vậy việc tìm hiểu các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội là việc cần thiết, cũng như nắm rõ các biện pháp phòng tránh để chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, tải sản cho chính bản thân và gia đình bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *