Lừa đảo làm nhiệm vụ Telegram bị mất tiền có lấy lại được?

Telegram là một ứng dụng OTT quốc tế (OTT – một giải pháp cung cấp nội dung như tin nhắn, hình ảnh, gọi điện cho người dùng dựa trên việc tận dụng không gian rộng lớn của Internet) với khả năng bảo mật cực cao. Đây là một ứng dụng nhắn tin rất phổ biến trong vài năm trở lại đây, và vấn nạn lừa đảo làm nhiệm vụ qua Telegram cũng trở nên nhức nhối từ đó. Rất nhiều người đã bị mất tiền oan qua các hình thức lừa đảo giăng bẫy vô cùng tinh xảo của kẻ gian. Vì vậy người dùng Telegram cần biết những điều sau đây để không trở thành nạn nhân tiếp theo của bọn bất lương qua hình thức làm nhiệm vụ tại ứng dụng này. Vì nếu đã bị lừa tiền qua Telegram thì việc lấy lại số tiền đã mất gần như bằng KHÔNG.

Tìm hiểu sơ lược về ứng dụng Telegram

Telegram là một ứng dụng nhắn tin đa nền tảng vô cùng phổ biến hiện nay, có nguồn gốc từ Nga. Tương tự như Message hay Zalo, ứng dùng này được sử dụng để kết nối giữa người với người thông qua các tin nhắn bằng ảnh, văn bản, giọng nói,… được cài đặt trên máy tính, điện thoại,… hoàn toàn miễn phí.

Telegram được đánh giá ưu việt hơn so với các mạng xã hội khác vì có nhiều tính năng đặc biệt hơn. Rất nhiều công ty chọn Telegram để trao đổi công việc cũng bởi vì sự bảo mật cao, khó bị rò rỉ thông tin và không bị kiểm soát.

Telegram không phải là một ứng dụng lừa đảo mà chỉ có những kẻ gian lợi dụng những lỗ hổng để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi.

Telegram có phải là ứng dụng lừa đảo?

Đây là một ứng dụng được hàng trăm triệu người trên khắp thế giới tin tưởng sử dụng vì không thu thập thông tin cá nhân để bán cho bên thứ ba như các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội khác. Nhưng thực tế với lượng người dùng cao như hiện nay, Telegram khó có thể kiểm soát được tất cả hành vi của người dùng.

Máy chủ Telegram lại đặt hoàn toàn ở Nga và không có trụ sở hay chi nhánh riêng tại Việt Nam. Hơn nữa, dù Telegram có nhiều tính năng đặc biệt hơn nhiều mạng xã hội khác nhưng đây là lỗ hổng lớn mà nhiều kẻ gian đã tận dụng để lừa đảo các nạn nhân, điển hình là tính năng xóa dữ liệu 2 chiều (xóa cả tin nhắn của người gửi và người nhận).

Kẻ gian sau khi lừa đảo thành công đã xóa tin nhắn, xóa hết dữ liệu. Vì các tin nhắn trao đổi cũng được mã hóa đầu cuối trước khi gửi đến máy chủ của Telegram nên gần như không ai có thể đọc được những tin nhắn của người dùng khi nhắn tin qua ứng dụng này. Nếu có vấn đề lừa đảo gì thì cơ quan chức năng cũng sẽ vô cùng khó khăn, mất nhiều thời gian để truy tìm thông tin. Lợi dụng những điều này, và nhắm vào những người nhẹ dạ cả tin mà nhiều đối tượng đã thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo.

Tóm lại, Telegram không phải là một ứng dụng lừa đảo mà chỉ có những kẻ gian lợi dụng những tính năng đặc biệt cũng như các lỗ hổng để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi.

Kẻ gian đóng giả làm nhân viên tư vấn công việc, chuyên viên hướng dẫn,… để lừa người dùng làm nhiệm vụ trên Telegram.

Tìm hiểu các hình thức mà kẻ gian lợi dụng Telegram để lừa đảo

Dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng kiếm tiền online vẫn đang là nghề siêu hot chiếm lĩnh thị trường hiện nay, và Telegram đang chính là “mảnh đất màu mỡ” của kẻ gian. Một số hình thức lừa đảo phổ biến đã giăng bẫy thành công rất nhiều người như sau:

  • Tạo nhóm, kênh, bot và mời người dùng tham gia group để kiếm tiền.
  • Giả mạo nhà cung cấp dịch vụ, các sàn giao dịch nổi tiếng để lừa người dùng mua bán bitcoin ảo.
  • Tải ứng dụng để trò chuyện, làm nhiệm vụ đánh giá 5 sao, like, thả tim các bài post trên mạng xã hội hay xem video,…

Chiêu bài phổ biến của kẻ gian lừa đảo: Chúng thường đóng giả người tư vấn công việc, chuyên viên hướng dẫn công việc để cùng hỗ trợ khách hàng, kế toán trả lương, hoặc bất kỳ một người nào đó,… Sau khi thấy nạn nhân vào nhóm và đang băn khoăn chưa nạp vốn thì chúng sẽ tiếp cận nạn nhân để “khuyên nhủ” để nạn nhân nhanh chóng chuyển tiền nạp vốn. Đánh vào tâm lý của những người nhẹ dạ cả tin, rằng chỉ cần bỏ trước một số vốn nhỏ, với vài tiếng mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ là người dùng có thể nhận được tiền ngay trong ngày.

Kẻ gian đã lợi dụng tính năng đặc biệt của Telegram để lừa đảo như thế nào?

Telegram cho phép người dùng tạo nhanh nhóm thành viên lớn lên đến 200 nghìn người

Telegram cho phép người dùng tạo nhanh một nhóm với số lượng thành viên khủng lên đến 200.000 người. Các đối tượng xấu đã tận dụng tính năng này để thêm người dùng vào nhóm và chia sẻ các công việc làm nhiệm vụ kiếm tiền.

Telegram cho phép người dùng đổi tên, thay ảnh đại diện nhiều lần mà không yêu cầu xác minh

Bạn có thể đổi tên nhiều lần trên Telegram mà không bị ứng dụng này yêu cầu xác minh, trong khi với Zalo khi bạn đổi 3 lần hay với Facebook bạn đổi tên 5 lần sẽ bị các ứng dụng này yêu cầu xác minh. Đặc biệt, trong khi các ứng dụng khác chỉ xóa được tin nhắn ở phía người gửi, còn Telegram xóa được cả tin nhắn trò chuyện của cả người gửi và người nhận.

Lợi dụng tính năng xóa dữ liệu 2 chiều của Telegram

Tính năng xóa dữ liệu 2 chiều của Telegram chính là kẽ hở lớn nhất của kẻ gian. Chúng thường xuyên đổi tên nick Telegram (thay đổi cả ảnh đại diện) để chat với nạn nhân. Dù đã từng nhắn tin với kẻ gian nhưng nạn nhân cũng không hay biết, ngỡ rằng mình đang nhắn tin với một người khác.

Kẻ gian lợi tính năng xóa tin nhắn 2 chiều người gửi và người nhận trên ứng dụng Telegram để tiếp tục lừa đảo.

Kẻ gian cũng không cần phải lập nick mới, tốn nhiều thời gian. Cứ sau mỗi lần kết thúc một phiên trò chuyện, hay đã lừa thành công thì kẻ gian lại đổi tên, ảnh đại diện khác để tiếp tục đi lừa đảo. Một vòng lặp, nạn nhân lại được kết nối với một người mới (người lừa đảo trước đó) qua ứng dụng này.

Chuyển đổi giữa các nick khác nhau trên Telegram chưa đến nửa giây

Trong khi các ứng dụng khác phải mất đến vài giây mới có thể chuyển đổi qua lại giữa các nick khác nhau thì Telegram chỉ cần nửa giây là chuyển đổi thành công. Kẻ gian đã lợi dụng điều này mà tạo ra rất nhiều nick bằng nhiều số điện thoại khác nhau, sau đó đóng vai thành nhiều người để tiếp cận, cùng lừa đảo nạn nhân.

Làm sao để tố cáo lừa đảo làm nhiệm vụ trên Telegram?

Gọi đường dây nóng hoặc gửi đơn tố cáo

Cách nhanh nhất để tố cáo kẻ gian lừa đảo là liên hệ đường dây nóng hoặc gửi đơn tố cao tới cơ quan công an có thẩm quyền ở từng tỉnh, thành phố, nơi mà kẻ gian có thể đang cư trú nếu biết đối tượng này là ai. Cần kèm theo giấy tờ nhân thân cũng như các chứng cứ bị lừa đảo trong đơn tố cáo để công an có thể nhanh chóng điều tra và xử lý kẻ gian.

Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ Hotline 069 219 4053 – Đường dây nóng của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để tố cáo.

Báo cáo qua @notoscam Telegram

Người dùng cũng có thể báo cáo hành vi lừa đảo của kẻ gian cho nhà phát triển ứng dụng Telegram bằng cách gửi thông tin cho @notoscam. Khi nhận được tố cáo của người dùng, nhà phát triển ứng dụng sẽ xem xét chặn các nhóm hoặc kênh bị báo cáo để ngăn chặn các hành vi lừa đảo này.

Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đọc đã thu thập được những thông tin hữu ích về tình trạng lừa đảo làm nhiệm vụ qua Telegram hiện nay, tránh mắc bẫy của kẻ gian. Các đối tượng này ngày càng hoạt động tinh vi hơn, vì vậy phải cảnh giác với những tin nhắn từ người lạ trên Telegram, và phải cẩn trọng trước khi cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *